Osho - Tủ thuốc cho
linh hồn
Chương 6. Quản lí
tâm trạng
Trở thành người chủ thế giới xúc động của bạn.
Chẩn đoán
Khổ có nhiều điều cho bạn mà
sướng không thể đem cho được. Thực tế, sướng lấy đi nhiều thứ từ bạn. Sướng lấy
đi tất cả những gì bạn đã từng có, tất cả những gì bạn đã từng là; sướng phá huỷ
bạn! Khổ nuôi dưỡng cho bản ngã của bạn, còn sướng về cơ bản là trạng thái của
vô ngã.
Đó là vấn đề, chính điểm then
chốt của vấn đề. Đó là lí do tại sao mọi người lại thấy rất khó sướng. Đó là lí
do tại sao hàng triệu người trên thế giới đã quyết định sống trong khổ. Nó cho
bạn chính, chính bản ngã được cô đọng. Khổ, bạn hiện hữu. Sướng, bạn không hiện
hữu. Trong khổ, có sự kết tinh; trong sướng bạn trở nên khuếch tán.
Nếu điều này được hiểu thế thì
mọi sự trở nên rất rõ ràng.
Khổ làm bạn thành đặc biệt. Sướng
là hiện tượng phổ dụng, chẳng có gì đặc biệt về nó cả. Cây sướng và con vật sướng
và chim chóc sướng. Toàn thể sự tồn tại sướng, ngoại trừ con người. Bị khổ, con
người trở thành rất đặc biệt, phi thường.
Khổ làm cho bạn có khả năng hấp
dẫn sự chú ý của mọi người. Bất kì khi nào bạn khổ bạn đều được chăm sóc, được
thông cảm, được yêu thương. Mọi người bắt đầy chăm nom tới bạn. Ai muốn làm tổn
thương người khổ? Ai ghen tị với người khổ? Ai muốn đối kháng với người khổ? Điều
đó sẽ là quá hèn hạ.
Người khổ được chăm nom, được
yêu mến, được chăm sóc. Có đầu tư lớn vào khổ. Nếu vợ không khổ, chồng đơn giản
có xu hướng quên mất cô ấy. Nếu cô ấy khổ chồng không thể sao lãng được cô ấy.
Nếu chồng khổ thì cả gia đình, vợ, con, đều vây quanh anh ta, lo lắng về anh
ta; điều đó cho an ủi lớn lao. Người ta cảm thấy người ta không một mình, người
ta có gia đình, bè bạn.
Khi bạn ốm yếu, buồn phiền, khổ,
bạn bè tới thăm bạn, tới an ủi, tới làm khuây khoả bạn. Khi bạn sướng, cũng những
người bạn đó lại trở nên ghen tị về bạn. Khi bạn thực sự sướng, bạn sẽ thấy cả
thế giới đã trở thành chống lại bạn.
Không ai thích người sướng, bởi
vì người sướng làm tổn thương tới bản ngã của người khác. Người khác bắt đầu cảm
thấy, “Vậy là anh đã trở nên sướng còn chúng tôi vẫn bò trong bóng tối, khổ và
địa ngục. Làm sao anh dám sướng khi tất cả chúng tôi vẫn còn khổ thế!”
Và tất nhiên thế giới bao gồm
những người khổ, và không ai đủ dũng cảm để cho cả thế giới chống lại mình; điều
đó là quá nguy hiểm, quá mạo hiểm. Tốt hơn cả là níu bám lấy khổ, nó giữ cho bạn
là một phần của đám đông. Sướng, và bạn là một cá nhân; khổ, bạn là một phần của
đám đông – người Hindu giáo, người Mô ha mét giáo, người Ki tô giáo, người Ấn Độ,
người A rập, người Nhật Bản.
Sướng sao? Bạn có biết sướng
là gì không? Nó có là người Hindu, người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo
không? Sướng đơn giản là sướng. Người ta được đưa vào thế giới khác. Người ta
không còn là một phần của thế mà tâm trí con người đã tạo ra, người ta không là
một phần của quá khứ, của lịch sử xấu xí. Người ta không còn là một phần của thời
gian chút nào. Khi bạn thực sự sướng, phúc lạc, thời gian biến mất, không gian
biến mất.
Albert Einstein đã nói rằng
trong quá khứ các nhà khoa học hay nghĩ rằng có hai thực tại – không gian và thời
gian. Nhưng ông ấy nói rằng hai thực tại này không phải là hai – chúng là hai mặt
của cùng chỉ một thực tại thôi. Do đó ông ấy đã nghĩ ra từ không thời gian, một
từ. Thời gian không là gì khác hơn chiều thứ tư của không gian.
Einstein không phải là nhà huyền
môn, bằng không thì ông ấy cũng đã đưa vào thực tại thứ ba nữa – cái siêu việt,
không không gian không thời gian. Cái đó nữa cũng có, tôi gọi nó là nhân chứng.
Và một khi cả ba điều này có đó, bạn có toàn thể ba ngôi. Bạn có toàn thể khái
niệm về trimurti, ba mặt của Thượng đế. Thế thì bạn có tất cả bốn chiều. Thực tại
là bốn chiều: ba chiều của không gian, và chiều thứ tư của thời gian.
Nhưng có cái gì đó khác, cái
không thể được gọi là chiều thứ năm, bởi vì nó không thực là thứ năm, nó là cái
toàn thể, cái siêu việt. Khi bạn phúc lạc bạn bắt đầu đi vào trong cái siêu việt.
Nó không phải là xã hội, nó không phải là truyền thống, nó chẳng liên quan gì tới
tâm trí con người chút nào.
Nhìn vào khổ của mình, quan
sát, và bạn sẽ có khả năng tìm ra lí do cho nó là gì. Và thế rồi nhìn vào những
khoảnh khắc đó khi thỉnh thoảng bạn cho phép bản thân mình vui với việc trong
vui vẻ, và rồi xem sự khác biệt nào có đó.
Đây sẽ là vài điều: khi bạn khổ
bạn là kẻ tuân thủ. Xã hội thích điều đó, mọi người kính trọng bạn, bạn có kính
trọng lớn lao, bạn thậm chí có thể trở thành thánh nhân; do đó các thánh nhân của
bạn tất cả đều là người khổ. Khổ được viết to tướng trên mặt họ, trong mắt họ.
Bởi vì họ khổ nên họ chống lại mọi vui vẻ. Họ lên án tất cả mọi vui vẻ là chủ
nghĩa khoái lạc; họ lên án mọi khả năng của vui vẻ là tội lỗi. Họ khổ, và họ muốn
thấy toàn thế giới khổ. Thực tế chỉ trong một thế giới khổ họ mới có thể được
coi là thánh nhân. Trong thế giới hạnh phúc họ phải bị đưa vào nhà thương, điều
trị tâm thần. Họ bệnh hoạn.
Tôi đã thấy nhiều thánh nhân,
và tôi đã nhìn vào trong các kiếp sống của các thánh nhân quá khứ của bạn. Chín
mươi chín trong số một trăm người họ đơn giản là bất thường – thần kinh hay thậm
chí loạn thần kinh. Nhưng họ được kính trọng – và họ được kính trọng vì khổ của
họ, nhớ lấy.
Các thánh nhân lớn nhịn ăn lâu
dài, tự hành hạ mình. Nhưng đấy chẳng phải là điều thông minh. Chỉ trong vài
ngày, tuần đầu thôi, điều đó là khó, tuần thứ hai điều đó rất dễ dàng; tuần thứ
ba lại trở nên khó ăn. Tuần thứ tư bạn đã hoàn toàn quên mất. Thân thể tận hưởng
việc ăn nó và cảm thấy bớt nặng nề, hiển nhiên, không có vấn đề về tiêu hoá. Và
toàn thể năng lượng liên tục được dùng trong tiêu hoá trở thành sẵn có cho đầu.
Bạn có thể nghĩ nhiều hơn, bạn có thể tập trung nhiều hơn, bạn có thể quên thân
thể và nhu cầu của nó.
Nhưng những điều này đơn giản
tạo ra người khổ và xã hội khổ. Nhìn vào khổ của mình và bạn sẽ thấy những điều
nền tảng nào đó có đó. Một: nó cho bạn sự kính trọng. Mọi người cảm thấy thân
thiết hơn với bạn, thông cảm hơn. Bạn sẽ có nhiều bạn bè hơn nếu bạn khổ. Đây
là một thế giới rất kì lạ, cái gì đó sai về nền tảng với nó. Nó đáng phải không
như vậy, người sướng nên có nhiều bạn hơn. Nhưng trở nên sướng và mọi người trở
nên ghen tị với bạn, họ không còn thân thiện nữa. Họ cảm thấy bị lừa; bạn có
cái gì đó mà lại không sẵn có cho họ. Sao bạn lại sướng? Do vậy qua nhiều thế kỉ
chúng ta đã học một cơ chế tinh vi: kìm nén sướng và phơi bày khổ. Nó đã trở
thành bản tính thứ hai của chúng ta.
Bạn phải vứt bỏ toàn thể cơ chế
này. Bạn phải học cách sướng, và bạn phải học cách kính trọng người sướng và bạn
phải học cách để ý hơn tới người sướng, hãy nhớ lấy. Đây là phục vụ lớn lao cho
nhân loại. Đừng thông cảm quá nhiều với những người khổ. Nếu người đó khổ, giúp
đỡ, nhưng đừng thông cảm. Đừng tạo cho người ấy ý tưởng rằng khổ là cái gì đó
có giá trị. Cứ để cho người đó biết hoàn toàn rõ rằng bạn đang giúp người đó,
nhưng “Đây không phải là từ kính trọng đâu, đây đơn giản chỉ bởi vì bạn đang khổ.”
Và bạn không làm gì ngoài việc cố gắng đưa người này ra khỏi khổ của người đó,
bởi vì khổ là xấu. Để cho người này cảm thấy rằng khổ là xấu, rằng khổ chẳng phải
là cái gì đó đức hạnh, rằng “Bạn không làm phục vụ gì lớn lao cho nhân loại.”
Sướng, kính trọng sướng, và
giúp đỡ mọi người hiểu rằng sướng là mục đích của cuộc sống – satchitanand. Các
nhà huyền môn phương Đông đã nói Thượng đế có ba phẩm chất. Ngài là sat: ngài
là chân lí, hiện hữu. Ngài là chit: tâm thức, nhận biết. Và, tối thượng, đỉnh
cao nhất là anand: phúc lạc. Bất kì chỗ nào có phúc lạc, đều có Thượng đế. Bất
kì chỗ nào bạn thấy người phúc lạc, kính trọng người đó, người đó là linh
thiêng. Và bất kì chỗ nào bạn cảm thấy sự tụ hội phúc lạc, lễ hội, nghĩ về nó
như nơi thiêng liêng.
Đơn thuốc:
Vượt hơn lệ thường của tâm trí
Cảm thấy buồn sao? Nhảy múa,
hay đi ra và đứng dưới vòi hoa sen và thấy nỗi buồn biến mất khỏi thân thể bạn
như nhiệt thân thể biến mất. Cảm thấy rằng với nước đang phun lên bạn, nỗi buồn
đang mất đi như việc vã mồ hôi và bụi bặm bị loại bỏ đi khỏi thân thể. Xem điều
xảy ra.
Thử đưa tâm trí vào tình huống
mà nó không thể vận hành được theo cách cũ.
Bất kì cái gì cũng có tác dụng.
Thực tế tất cả các kĩ thuật đã được phát triển qua nhiều thế kỉ đều không là gì
ngoài cách thức cố gắng làm phân tán tâm trí khỏi các hình mẫu cũ.
Chẳng hạn, nếu bạn cảm thấy giận
dữ, lấy vài hơi thở sâu. Hít vào sâu và thở ra sâu, trong hai phút, và thế rồi
xem giận dữ của bạn là gì. Bạn làm lẫn lộn tâm trí; nó không thể tương quan với
cả hai. “Vì khi nào,” tâm trí bắt đầu hỏi, “đã có ai thở sâu mà giận dữ chưa?
Cái gì diễn ra?”
Cho nên làm bất kì cái gì
nhưng đừng bao giờ lặp lại nó; đó mới là vấn đề. Bằng không nếu mỗi lúc bạn cảm
thấy buồn bạn đi tắm hoa sen, tâm trí sẽ đi vào thói quen đó. Sau ba hay bốn lần,
tâm trí biết: “Việc này được đấy. Mình buồn; đó là lí do tại sao mình lại đi tắm
hoa sen.” Thế rồi điều đó trở thành một phần nỗi buồn của bạn. Không, đừng bao
giờ lặp lại điều đó. Cứ thách đố tâm trí mọi lúc. Mang tính đổi mới, mang tính
tưởng tượng.
Bạn tình của bạn nói điều gì
đó và bạn cảm thấy giận. Bạn bao giờ cũng muốn đánh anh ấy hay ném cái gì đó
vào anh ấy. Lần này, đổi đi: tới và ôm choàng lấy anh ấy! Cho anh ấy cái hôn nồng
thắm và cả thách đố anh ấy! Tâm trí bạn sẽ bị phân vân và anh ấy cũng bị phân
vân. Bỗng nhiên mọi sự không còn như cũ. Thế rồi bạn sẽ thấy rằng tâm trí là
cái máy; rằng với cái mới, nó đơn giản bị lúng túng làm sao; nó không thể đương
đầu được với cái mới.
Mở cửa sổ ra và để cho gió mát
thổi vào.
Đổi hình mẫu giận dữ
Bạn có thể xả ra nhiều điều cả
nghìn lẻ một lần nhưng nếu hình mẫu cơ bản không đổi, bạn sẽ lại tích luỹ. Chẳng
có gì sai trong việc xả năng lượng – nó là tốt nhưng chẳng có gì thường hằng về
nó cả.
Các phương pháp phương Đông
hoàn toàn khác phương pháp phương Tây. Chúng không phải là thanh tâm; ngược lại,
chúng đem bạn đối lập lại với hình mẫu của mình. Chúng không lo nghĩ mấy tới năng
lượng dồn nén. Chúng quan tâm tới hình mẫu, tới cơ chế bên trong tạo ra năng lượng,
cái kìm nén nó và làm cho bạn giận, buồn, thất vọng và thần kinh. Hình mẫu này
phải bị phá vỡ. Xả ra năng lượng là rất đơn giản; phá vỡ hình mẫu là khó, đó là
công việc gian nan.
Bây giờ thử làm điều gì đó để
thay đổi hình mẫu.
Mọi ngày trong mười lăm phút,
vào bất kì lúc nào bạn cảm thấy thoải mái, chọn một thời gian và đóng cửa phòng
bạn lại và trở nên giận dữ – nhưng không xả nó ra. Cứ ép buộc nó, cứ gần như
phát cuồng với giận dữ, nhưng không xả nó ra. Không diễn đạt… thậm chí không
đánh gối. Kìm nén nó theo mọi cách – bạn có hiểu tôi không? Đấy đích xác là cái
đối lập với thanh tâm.
Nếu bạn cảm thấy căng thẳng nảy
sinh trong dạ dày cứ dường như cái gì đó sắp bùng nổ, ép dạ dầy vào; làm cho nó
căng thẳng hết sức bạn. Nếu bạn cảm thấy vai đang trở nên căng thẳng, làm cho
chúng căng thẳng hơn. Để toàn thân thể căng thẳng nhất có thể được, gần như là
nó là ngọn núi lửa sôi lên bên trong và vẫn không trào ra. Đó là điểm cần nhớ –
không xả ra, không bày tỏ. Không kêu la, bằng không dạ dầy sẽ được xả ra. Đừng
đánh vào cái gì, bằng không vai sẽ được xả bỏ và thảnh thơi.
Trong mười lăm phút làm cho
nóng người lên, cứ dường như người ta đang ở ba mươi bẩy độ. Trong mười lăm
phút công việc làm căng thẳng lên tới cực đỉnh. Bật đồng hồ báo thức và khi có
tín hiệu báo thức, cố gắng cật lực nhất có thể được.
Khi báo thức dừng lại, ngồi,
ngồi im lặng, nhắm mắt và chỉ quan sát điều xảy ra. Làm thảnh thơi thân thể.
Làm điều này trong hai tuần.
Việc hâm nóng hệ thống này sẽ buộc hình mẫu của bạn phải tan chẩy.
Đi sâu vào “Không”
Thử phương pháp này mọi đêm
trong sáu mươi phút. Trong bốn mươi phút, trở nên mang tính phủ định, phủ định
hết mức. Đóng cửa lại, nhét đệm vào quanh phòng, tháo điện thoại ra và bảo mọi
người rằng không được quấy rầy bạn trong một giờ. Đặt một thông báo lên cửa nói
rằng trong một giờ bạn phải được để hoàn toàn một mình. Làm mọi thứ mờ nhạt nhất
có thể được. Bật nhạc u sầu và mang cảm giác chết chóc.
Ngồi đó và cảm thấy phủ định.
Lặp lại “Không” như câu mật chú. Tưởng tượng các cảnh của quá khứ – khi bạn rất,
rất đờ đẫn và chết và bạn muốn tự tử và không còn say mê gì với cuộc sống – và
phóng đại chúng lên. Tạo ra toàn bộ tình huống quanh bạn. Tâm trí bạn sẽ phân
tán bạn. Nó sẽ nói, “Mình làm gì thế này? Đêm đẹp thế và trăng tròn!” Đừng nghe
lời tâm trí. Bảo nó rằng nó có thể quay lại về sau nhưng lần này bạn đang dành
hoàn toàn cho việc phủ định. Phủ định mang tính tôn giáo. Kêu gào, khóc lóc, la
hét, gào rú hay chửi rủa – bất kì cái gì bạn cảm thấy thích. Nhưng nhớ một điều:
đừng trở nên hạnh phúc. Đừng cho phép bất kì hạnh phúc nào. Nếu bạn bắt được bản
thân mình, lập tức cho mình cái tát! Đem bản thân mình trở lại với phủ định. Bắt
đầu đánh gối, đánh hay nhảy lên chúng. Cáu kỉnh! Bạn sẽ thấy rất, rất khó để
mang tính phủ định trong bốn mươi phút này.
Đây là một trong những luật cơ
bản của tâm trí – rằng bất kì cái gì bạn làm một cách có ý thức thì bạn cũng đều
không thể làm được, và khi bạn làm nó một cách có ý thức bạn sẽ cảm thấy tách
biệt. Bạn đang làm nó nhưng bạn vẫn là một nhân chứng; bạn không bị mất trong
nó. Một khoảng cách nảy sinh, và khoảng cách đó là cực kì đẹp đẽ. Nhưng tôi
không nói tạo ra khoảng cách đó. Đó là sản phẩm phụ – bạn không cần lo nghĩ về
nó.
Sau bốn mươi phút bất thần nhảy
ra khỏi sự phủ định. Ném gối đi, bật đèn lên, bật nhạc hay lên và nhảy múa
trong hai mươi phút. Nói, “Có! Có! Có!” – để nó thành mật chú của bạn. Rồi đi tắm
hoa sen.
Nó sẽ nhổ bật rễ tất cả mọi thứ
phủ định và nó sẽ cho bạn thoáng nhìn mới về việc nói có. Đây sẽ là việc tẩy sạch
bạn hoàn toàn. Không đi sâu vào cái “không,” chẳng ai có thể thu được đỉnh của
“có.” Bạn phải trở thành người nói không, thế thì việc nói có mới đi ra từ đó.
Cởi trói cho hổ
Cuộc sống là hiện tượng bao la
thế; không thể nào quản lí được nó. Và nếu bạn thực sự muốn quản lí nó bạn phải
cắt giảm nó tới tối thiểu; thế thì bạn mới có thể quản lí được. Bằng không cuộc
sống là hoang dã. Nó hoang dã như mây và mưa và làn gió thoảng và cây cối và bầu
trời.
Vào ban đêm bắt đầu thiền đi.
Cảm thấy dường như bạn không là con người chút nào. Bạn có thể chọn bất kì con
vật nào bạn thích. Nếu bạn thích mèo, mèo là tốt. Nếu bạn thích chó, tốt… hay hổ
– đực hay cái! – bất kì cái gì bạn thích. Chọn một con, nhưng thế rồi hãy gắn
bó với nó. Trở thành con vật đó. Đi trên cả bốn chi trong phòng và trở thành
con vật đó.
Trong mười lăm phút tận hưởng
tưởng tượng nhiều nhất có thể được. Sủa nếu bạn là chó và làm mọi điều chó vẫn
được trông đợi làm, và thực sự làm những điều đó! Tận hưởng điều đó và đừng kiểm
soát gì. Chó không thể kiểm soát được cái gì cả – chó nghĩa là tuyệt đối tự do
– cho nên bất kì cái gì xảy ra trong khoảnh khắc đó, làm nó. Trong khoảnh khắc
đó đừng đem yếu tố kiểm soát của con người vào. Thực sự gan lì là con chó!
Trong mười lăm phút chạy lăng xăng trong phòng, sủa và nhảy. Tiếp tục điều này
trong bẩy ngày – điều đó sẽ có ích.
Nếu bạn quá phức tạp và quá
văn minh, điều đó có thể làm què quặt bạn. Bạn cần chút ít năng lượng con vật.
Quá nhiều văn minh là điều tê liệt. Nó là tốt trong những liều nhỏ, nhưng quá
nhiều nó lại rất nguy hiểm. Người ta bao giờ cũng nên vẫn còn khả năng là con vật.
Nếu bạn có thể học hơi chút hoang dã, tất cả mọi vấn đề của bạn sẽ biến mất.
Cho nên bắt đầu từ đêm nay – và tận hưởng nó!
Can thiệp khủng hoảng
Bất kì khi nào có cái gì đó giống
như sức ép từ bên ngoài – và sẽ có nhiều lúc trong cuộc sống như thế – thế thì
việc trực tiếp đi vào thiền trở thành khó khăn. Cho nên trước khi thiền, trong
thời gian mười lăm phút bạn phải làm cái gì đó để xoá bỏ sức ép này; chỉ thế
thì bạn mới có thể đi vào thiền được, bằng không thì không thể.
Trong mười lăm phút, đơn giản
ngồi im lặng và nghĩ rằng toàn thế giới này là giấc mơ – mà nó cũng đúng thế đấy!
Nghĩ về toàn thế giới như giấc mơ và rằng chẳng có gì có ý nghĩa trong nó cả.
Đó là một điều.
Điều thứ hai – nhớ rằng chẳng
chóng thì chầy mọi thứ đều sẽ biến mất, kể cả bạn. Bạn trước đây đã không bao
giờ cũng ở đây, bạn về sau sẽ không bao giờ cũng ở đây. Cho nên chẳng cái gì là
thường hằng cả.
Điều thứ ba, nhớ rằng bạn chỉ
là nhân chứng. Đây là giấc mơ đang trôi qua, một bộ phim.
Nhớ ba điều này – rằng thế giới
này là giấc mơ và mọi thứ đều sẽ trôi qua, ngay cả bạn. Cái chết đang lại gần
và thực tại duy nhất có đó, là nhân chứng, cho nên bạn chỉ là nhân chứng thôi.
Thảnh thơi thân thể và rồi chứng kiến trong mười lăm phút và rồi thiền. Bạn sẽ
có khả năng đi vào trong nó và thế rồi sẽ không có rắc rối.
Nhưng bất kì khi nào bạn cảm
thấy rằng thiền đã trở thành đơn giản, dừng nó lại; bằng không nó sẽ trở thành
thói quen. Nó phải được dùng chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt khi khó đi vào
thiền. Nếu bạn làm nó mọi ngày điều đó là tốt nhưng nó sẽ mất hiệu quả và thế rồi
nó sẽ không có tác dụng. Cho nên dùng nó như kiểu dùng thuốc. Khi mọi sự đi sai
và khó khăn, thế thì làm nó để cho rõ ràng cách thức và bạn sẽ có khả năng thảnh
thơi.
Thái cực của khổ
Bất kì khi nào bạn cảm thấy
mình đang trở nên khổ, đi từ từ vào nó, đừng đi nhanh; làm chậm các chuyển động,
chuyển động Thái cực.
Nếu bạn cảm thấy buồn, thế thì
nhắm mắt lại và cảm thấy bộ phim chuyển động rất chậm. Đi chậm thôi, chầm chậm
vào nó, nhìn quanh tất cả, nhìn và quan sát điều đang xảy ra. Đi rất chậm để
cho bạn có thể thấy từng hành động một cách tách biệt, từng thớ tách biệt. Nếu
bạn đang giận – đi rất chậm vào trong nó.
Chỉ trong vài ngày làm chậm
các chuyển động, và làm chậm trong cả những việc khác. Chẳng hạn, nếu bạn bước,
bước chậm hơn bạn vẫn từng bước cho tới giờ. Ăn, ăn chậm và nhai nhiều hơn. Nếu
bạn thường mất hai mươi phút ăn, ăn bốn mươi phút đi; làm chậm nó lại năm mươi
phần trăm. Nếu bạn mở mắt nhanh, làm chậm nó lại. Tắm gấp đôi thời gian bạn thường
tắm; làm chậm lại mọi thứ.
Khi bạn làm chậm lại mọi thứ,
một cách tự động toàn thể cơ chế của bạn cũng chậm lại. Cơ chế là một – nó là
cùng cơ chế bạn bước đi, nó là cùng cơ chế bạn nói, nó là cùng cơ chế bạn trở
nên giận dữ. Không có các cơ chế khác nhau; nó là một cơ chế duy nhất. Cho nên
nếu bạn làm chậm lại mọi thứ, bạn sẽ ngạc nhiên: buồn của bạn, khổ của bạn, giận
của bạn, bạo hành của bạn – tất cả đều chậm lại.
Điều đó tạo ra kinh nghiệm
mênh mông: ý nghĩ của bạn chậm lại, ham muốn của bạn chậm lại, và những thói
quen cũ của bạn tất cả đều chậm lại.
Chẳng hạn nếu bạn hút thuốc
lá, thế thì tay bạn chuyển động rất chậm… đi vào bao thuốc… lấy ra điếu thuốc…
đưa điếu thuốc lên miệng… lấy bao diêm ra. Bạn làm chậm chạp đến mức phải mất gần
nửa giờ cho một điếu thuốc lá! Bạn sẽ ngạc nhiên; bạn sẽ có khả năng thấy bạn
đang làm mọi sự như thế nào.
Nhật kí trăng
Trăng đôi khi có thể ảnh hưởng
tới người ta rất nhiều, cho nên quan sát nó và dùng nó đi. Ghi lại từng ngày
trong ít nhất hai tháng, và giữ nó tương ứng với trăng. Bắt đầu từ tuần trăng mới
và giữ việc ghi chép về việc bạn cảm thấy thế nào trong cả ngày đó; thế rồi
ngày hôm sau, ngày thứ ba, thế rồi ngày thứ tư và mọi ngày cho tới trăng tròn.
Khi trăng bắt đầu khuyết đi, lại tiếp tục ghi chép. Bạn sẽ có khả năng thấy được
nhịp điệu – rằng tâm trạng của bạn sẽ di chuyển tương ứng theo trăng.
Một khi bạn biết đích xác sơ đồ
của mình, bạn có thể làm nhiều điều với sơ đồ đó. Bạn bây giờ có thể biết trước
cái gì sẽ xảy ra ngày mai và bạn có thể được chuẩn bị cho nó. Nếu sắp sửa có buồn,
thì tận hưởng buồn. Thế thì không có nhu cầu tranh đấu với nó. Thay vì tranh đấu,
dùng nó đi, bởi vì buồn cũng có thể được dùng.
Thở hồng hộc như chó
Bất kì khi nào bạn cảm thấy bụng
mình có vấn đề, bước đi và thở hồng hộc như chó. Để cho lưỡi bạn thè ra. Toàn bộ
việc đi ngoài sẽ trở thành để mở. Thở hồng hộc có thể rất có ý nghĩa. Nếu bạn
thở hồng hộc trong nửa giờ, cơn giận của bạn sẽ trôi qua rất đáng hài lòng.
Toàn thân thể bạn sẽ trở thành được tham dự vào trong đó.
Thỉnh thoảng thử điều này
trong phòng bạn. Bạn có thể dùng tấm gương và sủa và gầm gừ vào nó! Trong vòng
ba tuần bạn sẽ cảm thấy mọi sự rất, rất sâu sắc. Một khi cơn giận được làm thảnh
thơi, qua đi, bạn sẽ cảm thấy tự do.
Chấp nhận phủ định
Người ta phải học sống với phần
phủ định của bản thể mình nữa; chỉ thế thì người ta mới trở thành toàn thể. Tất
cả chúng ta đều muốn sống chỉ với phần khẳng định. Khi hạnh phúc, bạn chấp nhận
nó, khi bất hạnh bạn bác bỏ nó. Nhưng bạn là cả hai. Khi tất cả mọi sự đều tuôn
chảy bạn cảm thấy tuyệt vời; khi mọi thứ đã dừng lại và trở thành tù đọng, thế
thì bạn cảm thấy trong địa ngục. Nhưng cả hai đều phải được chấp nhận. Đây là
cách cuộc sống hiện hữu: cuộc sống bao gồm địa ngục và cõi trời cùng nhau. Phân
chia địa ngục và cõi trời là phân chia giả tạo. Không có cõi trời trên cao đâu
đó và không có địa ngục dưới sâu đâu đó; chúng cả hai đều ở đây. Khoảnh khắc
này bạn trên cõi trời và khoảnh khắc khác bạn trong địa ngục.
Người ta phải học cả khía cạnh
phủ định của mình nữa và người ta phải thảnh thơi với nó. Thế thì bạn sẽ ngạc
nhiên một ngày nào đó rằng phần phủ định đã bổ sung thêm hương vị cuộc sống. Nó
không phải là không cần thiết; nó cho gia vị vào cuộc sống. Bằng không cuộc sống
sẽ trở thành đờ đẫn và đơn điệu. Nghĩ mà xem – bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và hạnh
phúc hơn và hạnh phúc hơn nữa… Rồi bạn sẽ làm gì? Những khoảnh khắc của bất hạnh
lại đem tới điều thú vị, tìm kiếm và phiêu lưu. Bạn thu lại khao khát.
Bạn phải sống cùng tính toàn bộ
của sự hiện hữu. Tất cả mọi khía cạnh của tốt và xấu đều phải được chấp nhận.
Không có cách nào gạt bỏ bất kì cái gì. Không ai đã bao giờ gạt bỏ được cái gì
mà người ta học dần dần, dần dần chấp nhận tất cả. Thế thì nảy sinh ra hài hoà
giữa bóng tối và ánh sáng, và điều đó là đẹp. Bởi vì cuộc sống tương phản trở
thành hài hoà.
Cho nên cố gắng sống những khoảnh
khắc này nữa. Đừng làm chúng thành vấn đề. Đừng bắt đầu nghĩ, “Mình phải làm gì
để cho mình không còn bồn chồn nữa?” Khi có bồn chồn thì cứ bồn chồn đi! Khi bất
hạnh, cứ bất hạnh, và đừng làm lộn xộn về điều đó – chỉ bất hạnh; bạn có thể
làm gì khác được?
Điều đó cũng giống như khí hậu
vậy: trời mùa hè và cái nóng có đó, vậy bạn có thể làm được gì? Khi trời nóng,
hãy nóng và vã mồ hôi, và khi trời lạnh, rùng mình và tận hưởng nó! Dần dần, dần
dần bạn sẽ thấy mối quan hệ tương hỗ của các đối lập cực. Và cái ngày bạn hiểu
rằng tính cực này hiện hữu, đó chính là ngày của hiểu biết lớn lao và khải lộ.
Trên chín tầng mây
Phúc lạc là điều rất mờ đục
như đám mây, không xác định và liên tục thay đổi. Nó không tạm thời cũng chẳng
thường hằng. Nó vĩnh hằng. Nhưng nó không chết; nó rất, rất sống động. Nó là bản
thân cuộc sống, cho nên nó không tĩnh tại, nó năng động. Nó cứ thay đổi. Đó là
ngược đời của phúc lạc: nó là vĩnh hằng và vậy mà lại thay đổi, từng khoảnh khắc
đều mới và vậy mà bao giờ cũng là cái cũ. Theo một cách nó bao giờ cũng có;
theo một cách mọi khoảnh khắc bạn sẽ cảm thấy cực lạc và kích động. Mọi khoảnh
khắc bạn sẽ bị ngạc nhiên bởi nó. Cho nên nó rất mờ đục và nó không thể được
phân loại là tạm thời hay thường hằng.
Bắt đầu cảm thấy đám mây phúc
lạc này quanh bạn.
Ngồi im lặng, cảm thấy đám mây
bao quanh bạn. Thảnh thơi trong đám mây đó, và sau vài ngày bạn sẽ cảm thấy rằng
nó đã trở thành thực tại… Bởi vì nó có đó; nó chính là cái bạn chưa cảm thấy
nó. Nó có đó. Mọi người đều sống trong đám mây phúc lạc – người ta chỉ phải nhận
ra nó, có thế thôi. Chúng ta được sinh ra cùng nó. Nó là hào quang của chúng
ta; nó là chính bản tính của chúng ta, bản tính cố hữu của chúng ta. Cho nên thỉnh
thoảng ngồi im lặng, thảnh thơi, và cảm thấy rằng bạn đang làm mất bản thân
mình trong đám mây phúc lạc bao quanh mình, thường xuyên thay đổi và vậy mà vẫn
còn với bạn.
Khi bạn bắt đầu làm mất đi bản
thân mình, bạn sẽ cảm thấy ngày một phúc lạc nhiều hơn. Sẽ có những khoảnh khắc
hiếm hoi khi bạn hoàn toàn mất hút, khi đám mây có đó, còn bạn thì không. Đó là
những khoảnh khắc của satori hay samadhi. Chúng là những thoáng nhình đầu tiên,
những thoáng nhìn xa xăm nhưng dầu vậy là về chân lí.
Một khi hạt mầm có đó, cây sẽ
tới.
Tưởng tượng cái đó!
Nếu bạn có óc tưởng tượng
phong phú, và nếu bạn có thể dùng khả năng của mình một cách có ý thức, nó có
thể có ích mênh mông. Nếu bạn không dùng nó một cách có ý thức, nó có thể trở
thành rào chắn. Nếu người ta có khả năng nào đó người ta phải dùng nó; bằng
không nó trở thành tảng đá trên đường. Người ta phải bước qua nó và biến đổi nó
thành bàn đạp.
Bắt đầu làm ba điều.
Một là – tưởng tượng bản thân
bạn hạnh phúc nhất có thể được. Trong vòng một tuần bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng
bạn đang trở nên rất hạnh phúc chẳng bởi lí do nào hết cả. Điều đó sẽ là bằng
chứng cho khả năng đang ngủ của bạn. Cho nên điều thứ nhất cần làm vào buổi
sáng là tưởng tượng bản thân mình cực kì hạnh phúc. Ra khỏi giường trong tâm trạng
rất hạnh phúc – toả sáng, sôi sục và mong đợi, cứ dường như cái gì đó hoàn hảo,
có giá trị vô hạn, đang sắp mở ra hay xảy ra vào hôm đó. Ra khỏi giường trong
tâm trạng rất tích cực và tràn trề hi vọng, với cảm giác rằng ngày này sẽ không
phải là ngày bình thường – rằng cái gì đó ngoại lệ và phi thường đang chờ đợi bạn;
rằng cái gì đó ở rất gần ngay bên. Cố gắng và nhớ lại nó lặp đi lặp lại cả
ngày. Trong vòng bẩy ngày bạn sẽ thấy rằng toàn thể hình mẫu của bạn, toàn thể
phong cách của bạn, toàn thể rung động của bạn, đã thay đổi.
Điều thứ hai – khi bạn đi ngủ
vào ban đêm, tưởng tượng rằng bạn đang rơi vào vòng tay của Thượng đế… cứ dường
như sự tồn tại đang nâng đỡ bạn, dường như bạn đang rơi vào giấc ngủ trong lòng
nó. Quán tưởng điều đó và rơi vào giấc ngủ. Một điều cần tiếp tục là việc tưởng
tượng đó và để giấc ngủ tới, để cho việc tưởng tượng đó đi vào trong giấc ngủ và
chúng chèn lấp nhau. Đây là điều thứ hai.
Điều thứ ba: Đừng tưởng tượng
bất kì điều tiêu cực nào, bởi vì nếu những người có khả năng tưởng tượng mà tưởng
tượng điều tiêu cực, chúng bắt đầu xảy ra. Nếu bạn nghĩ rằng bạn sắp bị ốm, bạn
sẽ bị ốm. Nếu bạn nghĩ rằng ai đó đang tới và người đó sẽ thô lỗ với bạn, người
đó sẽ vậy. Chính tưởng tượng của bạn sẽ tạo ra tình huống đó.
Trước hết bắt đầu tưởng tượng
buổi sáng và buổi đêm, và nhớ đừng tưởng tượng điều gì tiêu cực cho cả ngày. Nếu
ý tưởng này tới, lập tức đổi nó thành điều tích cực. Nói không với nó. Gạt bỏ
nó ngay lập tức và rồi ném nó đi xa.
Nụ cười từ bụng
Bất kì khi nào bạn đang ngồi
và bạn chẳng có gì làm, thư giãn hàm dưới và hơi há mồm. Bắt đầu thở từ mồm
nhưng không sâu. Cứ để cho thân thể thở, để cho nó sẽ nông và sẽ trở nên nông
hơn và nông hơn. Khi bạn cảm thấy rằng việc thở đã trở nên rất nông và mồn vẫn
há và hàm bạn đã thảnh thơi, toàn thân thể bạn sẽ cảm thấy rất thảnh thơi.
Trong khoảnh khắc đó, bắt đầu
cảm thấy nụ cười – không trên khuôn mặt mà ở khắp bản thể bên trong của bạn. Bạn
sẽ có khả năng cảm điều đó. Nó không phải là nụ cười tới trên môi, nó là nụ cười
mang tính tồn tại lan toả ở bên trong.
Thử vào đêm nay và bạn sẽ biết
nó là gì… bởi vì điều đó không thể được giải thích. Không cần nụ cười trên môi,
trên mặt, nhưng cứ như bạn đang mỉm cười từ bụng; bụng đang mỉm cười. Nó là nụ
cười, không là tiếng cười, cho nên nó rất mềm mại, tinh tế và mong manh, giống
như bông hồng nhỏ mở ra trong bụng và lan toả hương thơm khắp thân thể.
Một khi bạn đã biết nụ cười
này là gì, bạn có thể vẫn còn hạnh phúc trong hai mươi bốn giờ. Bất kì khi nào
bạn cảm thấy rằng bạn đang bỏ lỡ hạnh phúc đó, nhắm mắt lại và bắt lấy nụ cười
đó lần nữa và nó sẽ có đó. Vào buổi ban ngày nhiều lần bạn muốn bạn đều có thể
bắt lấy nó. Nó bao giờ cũng ở đó.
Phá vỡ bức trường thành Trung Quốc
Trong cả cuộc đời, nhiều người
đã từng đi sơ sơ vào mọi thứ. Nếu bạn giận dữ bạn chỉ đi sơ sơ vậy thôi. Nếu bạn
buồn bạn chỉ đi sơ sơ vậy thôi. Nếu bạn hạnh phúc bạn chỉ đi sơ sơ vậy thôi. Có
một đường ngăn tinh tế mà đằng sau nó bạn chẳng bao giờ đi tới; mọi thứ đi tới
đó và dừng lại. Nó đã trở thành hần như tự động cho nên khoảnh khắc bạn đạt tới
đường đó bạn lập tức thoái thác.
Mọi người đều đã được dạy cách
đó – rằng bạn được phép giận chừng mực nào đó nhưng không nhiều hơn thế bởi vì
nhiều hơn thế có thể là nguy hiểm. Bạn được phép hạnh phúc tới mức nào đó nhưng
không nhiều hơn thế bởi vì hạnh phúc có thể thành điên. Bạn được phép buồn chỉ
tới một điểm nhưng không nhiều hơn thế bởi vì nhiều hơn có thể là tự tử. Bạn đã
được huấn luyện và có bức Trường thành Trung Quốc bao quanh bạn và mọi người
khác. Bạn không bao giờ đi ra ngoài nó. Đó là không gian duy nhất của bạn, tự
do duy nhất của bạn, cho nên khi bạn bắt đầu trở nên hạnh phúc hay vui sướng, bức
Trường thành Trung Quốc đó tới ngay trên đường. Cho nên bạn phải nhận biết về
điều đó.
Bắt đầu một thực nghiệm sẽ có
ích vô cùng đi. Nó được gọi là phương pháp phóng đại. Nó là một trong những
phương pháp thiền của Tây Tạng cổ đại. Nếu bạn cảm thấy buồn, nhắm mắt lại và
phóng đại nỗi buồn. Đi vào trong nó nhiều nhất có thể được, đi vượt qua giới hạn.
Nếu bạn muốn than vãn và nức nở và khóc lóc, làm điều đó đi. Nếu bạn cảm thấy
thích lăn lộn trên sàn, làm nó nhưng vượt ra ngoài giới hạn thông thường, tới
chỗ bạn chưa bao giờ tới trước đây.
Phóng đại nó bởi vì giới hạn
đó, biên giới thường xuyên đó mà bạn đã sống trong, đã trở thành thường lệ quá
nhiều tới mức chừng nào bạn còn chưa vượt ra ngoài nó, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận
biết. Nó là một phần của tâm trí thói quen của bạn, cho nên bạn có thể giận dữ
nhưng bạn sẽ không trở nên nhận biết về nó trừ phi bạn vượt ra ngoài biên giới
này. Thế thì bỗng nhiên nó tới trong nhận biết của bạn bởi vì cái gì đó đang xảy
ra mà lại chưa hề xảy ra trước đây.
Cho nên làm điều này với nỗi
buồn, với giận dữ, với ghen tị – với bất kì cái gì bạn đang cảm thấy vào khoảnh
khắc này – và đặc biệt với hạnh phúc. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc đừng tin vào
các giới hạn. Đi và chạy xô ra ngoài các giới hạn: nhảy múa, hát hay chạy chậm.
Đừng là kẻ keo kiệt.
Một khi bạn đã học cách xâm lấn
giới hạn này và cách siêu việt lên trên giới hạn này thì bạn sẽ ở trong một thế
giới hoàn toàn khác. Thế thì bạn sẽ biết mình đã bỏ lỡ nhiều cả cuộc sống mình.
Bạn sẽ đi tới đối đầu với bức
Trường thành Trung Quốc đó nhiều lần nhưng dần dần bạn sẽ bắt đầu biết cách
thoát ra khỏi nó – bởi vì nó thực sự không có đó, nó chỉ là niềm tin mà thôi.
Tạo ra thế giới riêng tư
Làm phương pháp này mọi đêm.
Nó có ba bước.
Trong bẩy ngày đầu, bước thứ
nhất: Nằm dài trên giường hay ngồi, tắt đèn đi và ở trong bóng tối. Nhớ tới bất
kì khoảnh khắc đẹp nào bạn đã kinh nghiệm trong quá khứ. Bất kì khoảnh khắc đẹp
nào… chọn khoảnh khắc đẹp nhất. Nó có thể rất bình thường, bởi vì đôi khi điều
phi thường xảy ra ở những chỗ rất bình thường.
Bạn đang ngồi tĩnh lặng, chẳng
làm gì và mưa rơi trên mái. Mùi mưa, tiếng mưa… bạn được bao quanh và cái gì đó
nhoáng lên; bạn đang trong khoảnh khắc thiêng liêng. Hay một ngày nào đó trong
khi bạn đang bước dọc đường, bỗng nhiên ánh mặt trời chiếu vào bạn từ đằng sau
cây và nó nhoáng lên! – cái gì đó mở ra. Trong một khoảnh khắc bạn được mang
vào trong thế giới khác.
Một khi bạn đã chọn nó, tiếp tục
nó trong bẩy ngày. Cứ nhắm mắt và sống lại nó. Đi vào từng chi tiết. Mưa rơi
trên mái… âm thanh lộp độp… mùi mưa… chính khung cảnh của khoảnh khắc đó… Con
chim đang hót, con chó đang sủa… cái đĩa rơi xuống – mọi âm thanh. Đi vào trong
mọi chi tiết từ mọi phía, đa chiều, qua mọi giác quan. Mọi đêm bạn sẽ thấy rằng
bạn đang đi vào các chi tiết sâu hơn – nhớ lại mọi điều bạn thậm chí có thể đã
bỏ lỡ trong khoảnh khắc thực nhưng điều đó tâm trí bạn đã ghi lại. Dù bạn có bỏ
lỡ điều đó hay không, tâm trí vẫn cứ ghi lại.
Bạn sẽ đi tới cảm thấy sắc
thái tinh tế mà bạn đã không nhận biết rằng bạn đã kinh nghiệm. Khi tâm thức bạn
được hội tụ vào khoảnh khắc đó, khoảnh khắc đó sẽ lại có đấy. Bạn sẽ bắt đầu những
điều mới. Bạn sẽ bỗng nhiên đi tới nhận ra rằng chúng đã có đó nhưng bạn đã bỏ
lỡ chúng vào khoảnh khắc đó. Nhưng tâm trí ghi lại nó tất cả. Nó là người phục
vụ rất, rất tin cậy – cực kì có khả năng.
Trong bẩy ngày bạn sẽ có khả
năng thấy nó rõ ràng tới mức bạn sẽ cảm thấy rằng mình chưa bao giờ thấy những
khoảnh khắc thực nào rõ ràng như khoảnh khắc này.
Sau bẩy ngày làm cùng điều
này, nhưng thêm một điều nữa. Vào ngày thứ tám, cảm thấy không gian xung quanh
bạn từ mọi phía – ra tới một mét. Cảm thấy vầng hào quang của khoảnh khắc đó
bao quanh bạn. Trong mười bốn ngày bạn sẽ gần như trong một thế giới hoàn toàn
khác, mặc dầu vẫn ý thức rằng bên ngoài đó một mét một thời gian hoàn toàn khác
và một chiều hướng hoàn toàn khác đang hiện diện.
Thế rồi tuần thứ ba một cái gì
đó phải được thêm vào. Sống khoảnh khắc đó, được bao quanh bởi nó và bây giờ, tạo
ra hình ảnh phản không gian.
Chẳng hạn bạn đang cảm thấy rất
thoải mái; trong một mét bạn được bao quanh bởi sự thoải mái đó, điều thiêng
liêng đó. Bây giờ nghĩ tới tình huống: ai đó xúc phạm bạn nhưng sự xúc phạm chỉ
đi tới giới hạn đó thôi. Có một hàng rào và việc xúc phạm không thể nào đi vào
bạn được. Nó tới như mũi tên và rơi xuống đó. Hay nhớ tới khoảnh khắc buồn nào
đó: bạn bị tổn thương, nhưng tổn thương đó đi tới bức tường kính đang bao quanh
bạn và rơi xuống đó. Nó chẳng bao giờ tới được bạn cả. Bạn sẽ có khả năng thấy
sau ba tuần – nếu hai tuần đầu đã trôi qua đúng – rằng mọi thứ đi tới giới hạn
một mét đó và không cái gì thấm vào bạn cả.
Thế rồi từ tuần thứ tư tiếp tục
giữ vầng hào quang đó với bạn. Đi ra chợ hay nói chuyện với mọi người, liên tục
nhớ nó trong tâm trí.
Bạn sẽ cực kì xúc động. Bạn sẽ
đi vào trong thế giới mà có thế giới riêng của mình, một thế giới riêng tư,
liên tục cùng với bạn.
Điều đó sẽ làm cho bạn có khả
năng sống trong hiện tại – bởi vì, thực tế, bạn liên tục bị bắn phá bởi hàng
nghìn và hàng nghìn thứ. Và chúng bắt giữ sự chú ý của bạn – nếu bạn không có vầng
hào quang bảo vệ quanh mình, bạn bị mong manh. Con chó sủa – bỗng nhiên tâm trí
đã bị kéo đi theo hướng đó. Con chó đi vào kí ức. Bây giờ bạn có nhiều con chó
trong kí ức từ quá khứ. Người bạn của bạn có chó; bây giờ từ con chó bạn đi
sang người bạn mình, rồi sang cô em bạn mình mà bạn có tình cảm với cô ấy. Bây
giờ toàn thể điều vô nghĩa bắt đầu. Việc sủa của con chó này là trong hiện tại
nhưng nó đưa bạn tới đâu đó trong quá khứ. Nó có thể đưa bạn vào tương lai; chẳng
có cách nào để nói cả. Bất kì cái gì cũng đều có thể dẫn tới bất kì cái gì, nó
rất phức tạp.
Cho nên người ta cần một cái
bao quanh, một vầng hào quang bảo vệ. Con chó cứ sủa nhưng bạn vẫn còn trong bản
thân mình – lắng đọng, bình thản, yên tĩnh và định tâm.
Mang vầng hào quang đó trong
vài ngày hay vài tháng. Khi bạn thấy rằng bây giờ nó không còn cần thiết nữa bạn
có thể bỏ nó đi. Một khi bạn biết cách ở đây bây giờ, một khi bạn đã tận hưởng
cái đẹp của nó, phúc lạc vô cùng của nó, bạn có thể vứt vầng hào quang đi.
Bàn chân hạnh phúc
Khi bạn cười, cười qua toàn
thân thể bạn – đó là vấn đề cần hiểu. Bạn có thể cười chỉ trên môi, bạn có thể
cười từ cổ họng; điều đó không đi thật sâu lắm.
Cho nên ngồi trên sàn ở giữa
phòng và cảm thấy dường như tiếng cười đang tới từ lòng bàn chân bạn. Trước hết
nhắm mắt và rồi cảm thấy những gợn sóng cười đang lan tới từ chân bạn. Chúng rất
tinh tế. Thế rồi chúng tới từ bụng và trở thành trực quan hơn; bụng bắt đầu
rung lên và run rẩy… Thế rồi đem nó lên trái tim; rồi tim cảm thấy tràn đầy thế.
Rồi đem nó lên họng và rồi tới môi. Bạn có thể cười bằng môi và họng, bạn có thể
gây tiếng động như tiếng cười nhưng nó sẽ không có đó và nó cũng chẳng giúp gì
nhiều mấy. Nó sẽ lại là hành động cơ giới thôi.
Khi bạn bắt đầu cười, hãy tưởng
tượng rằng bạn là đứa trẻ nhỏ. Hãy quán tưởng bản thân bạn là đứa trẻ nhỏ. Khi
đứa trẻ nhỏ cười, nó bắt đầu lăn lộn trên sàn. Nếu bạn cảm thấy thích điều đó,
hãy bắt đầu lăn lộn. Toàn thể vấn đề là tham dự toàn bộ vào trong đó. Tiếng ồn
không có nghĩa như sự tham dự. Một khi nó bắt đầu, bạn sẽ biết.
Trong hai hay ba ngày bạn có
thể không có khả năng cảm thấy liệu điều đó có đang xảy ra hay không, nhưng nó
sắp xảy ra. Đem nó từ chính gốc rễ – cũng như hoa tới từ cây, nó đi từ chính gốc
rễ. Dần dần nó đi lên. Bạn không thể thấy được nó ở đâu khác cả; chỉ khi nó tới
và hoa nở trên ngọn bạn mới có thể thấy nó. Nhưng nó đang tới từ gốc rễ, từ chỗ
ngầm sâu dưới đất. Nó đã đi dọc từ chiều sâu.
Theo đích xác cùng cách này tiếng
cười nên bắt đầu từ bàn chân và rồi đi ngược lên. Cho phép toàn thân thể được
rung chuyển bởi nó. Cảm thấy rung động run rẩy và hợp tác với rung động đó. Đừng
vẫn còn cứng nhắc; thảnh thơi và hợp tác với nó. Cho dù lúc ban đầu bạn có
phóng đại nó lên một chút, điều đó sẽ có ích. Nếu bạn cảm thấy rằng tay đang
rung lên, giúp cho nó rung nhiều hơn để cho năng lượng bắt đầu lăn tăn, tuôn chẩy.
Thế rồi bắt đầu lăn lộn và cười.
Điều này là vào ban đêm trước
khi bạn đi ngủ. Chỉ mười phút cũng có tác dụng và rồi rơi vào giấc ngủ. Lần nữa
vào buổi sáng, điều đầu tiên – bạn có thể làm điều đó trên giường mình. Cho nên
điều cuối cùng vào ban đêm và điều đầu tiên vào ban sáng. Tiếng cười đêm sẽ tạo
ra xu hướng trong giấc ngủ của bạn. Giấc mơ của bạn sẽ trở thành vui vẻ hơn, buồn
cười hơn, và chúng sẽ giúp tiếng cười buổi sáng của bạn; chúng sẽ tạo ra nền tảng.
Tiếng cười buổi sáng sẽ tạo ra xu hướng cho cả ngày.
Bất kì điều gì bạn làm trong
buổi sáng, điều đầu tiên – dù nó là bất kì cái gì – sẽ đặt ra xu hướng cho cho
cả ngày.
Nếu bạn trở nên giận dữ là điều
đầu tiên, điều đó trở thành dây chuyền. Giận dữ này dẫn tới giận dữ khác, rồi
giận dữ khác lại dẫn tới giận dữ khác nữa. Bạn cảm thấy rất mong manh – bất kì
cái gì nhỏ bé cũng đều cho bạn cảm giác bị tổn thương; cảm thấy bị xúc phạm. Điều
này dẫn tới điều nọ. Tiếng cười thực sự là điều tốt nhất để bắt đầu, nhưng để
nó là một điều toàn bộ. Trong suốt cả ngày, bất kì khi nào có cơ hội, đừng bỏ lỡ
– hãy cười!
Mật chú Có
Tôi đang dạy bạn nói có với cuộc
sống, với tình yêu, với mọi người. Vâng, có gai đấy, nhưng chẳng cần tính tới
chúng làm gì. Bỏ qua chúng đi; thiền về hoa hồng. Và nếu việc thiền của bạn
càng đi sâu hơn vào hoa hồng và hoa hồng càng đi sâu hơn vào bạn, thì gai sẽ bắt
đầu trở nên nhỏ hơn chúng vẫn vậy. Một khoảnh khắc tới khi hoa hồng đã sở hữu bạn
toàn bộ; không còn gai nào nữa trên thế giới.
Bắt đầu đặt năng lượng của bạn
vào “có” – làm ra mật chú về “có.” Mọi đêm trước khi bạn đi ngủ, lặp lại, “Có…
có…” và hài hoà với nó. Lắc lư với nó và để nó tới khắp con người bạn từ ngón
chân tới đầu. Để nó thấm vào bạn. Lặp lại “Có… có… có…” Để cho điều đó là lời cầu
nguyện của bạn trong mười phút trong đêm và rồi đi ngủ.
Sáng sớm, ít nhất trong ba
phút lại ngồi trong giường và làm điều đó. Điều đầu tiên cần làm là lặp lại
“Có,” và đi vào việc cảm thấy nó.
Trong ngày bất kì khi nào bạn
bắt đầu cảm thấy tiêu cực, dừng lại trên đường, bất kì đâu. Nếu bạn có thể nói
to “Có…có…” thì tốt; bằng không ít nhất bạn cũng có thể im lặng nói “Có…có.…”
Trong ba tuần thực hành “Có.”
Đừng buồn, hãy giận!
Giận và buồn là một. Buồn là
giận thụ động còn giận là buồn tích cực. Với người buồn khó mà giận được. Nếu bạn
có thể làm cho người buồn thành giận, cái buồn của người đó sẽ biến mất ngay lập
tức. Sẽ rất khó cho người giận thành buồn. Nếu bạn có thể làm cho người đó buồn,
giận của người đó sẽ biến mất ngay lập tức.
Trong tất cả mọi xúc động của
chúng ta tính chất các cực cơ sở vẫn tiếp tục – của đàn ông và đàn bà, dương và
âm, nam tính và nữ tính. Giận là nam tính còn buồn là nữ tính. Cho nên nếu bạn
hài hoà với buồn thì khó dịch chuyển sang giận, nhưng tôi muốn bạn dịch chuyển.
Đem nó ra, hành động từ nó. Cho dù nó có vẻ vô nghĩa, thế nữa – là anh hề trong
con mắt riêng của mình nhưng đem nó ra!
Nếu bạn có thể nổi giữa giận
và buồn, cả hai trở thành dễ dàng một cách đơn giản. Bạn sẽ phải có sự siêu việt
và thế rồi bạn sẽ có khả năng quan sát. Bạn có thể đứng đằng sau màn hình và
quan sát các trò chơi này và rồi bạn có thể vượt ra ngoài cả hai. Nhưng trước hết
bạn phải di chuyển dễ dàng giữa hai điều này; bằng không bạn có khuynh hướng buồn
– và khi người ta nặng nề, việc siêu việt lên là khó.
Nhớ lấy, khi hai năng lượng,
năng lượng đối lập, đích xác giống nhau, năm mươi-năm mươi, thế thì rất dễ
thoát ra khỏi chúng bởi vì chúng đang đánh nhau và triệt tiêu lẫn nhau và bạn
không trong nắm giữ của bất kì cái gì. Buồn của bạn và giận của bạn là năm
mươi-năm mươi, năng lượng cân bằng, cho nên chúng triệt tiêu lẫn nhau. Bỗng
nhiên bạn có tự do và bạn có thể thoát. Nhưng nếu buồn chiếm bẩy mươi phần trăm
và giận ba mươi phần trăm, thế thì rất khó. Giận ba mươi phần trăm đối lập với
buồn bẩy mươi phần trăm nghĩa là bốn mươi phần trăm buồn vẫn có đó, và nó sẽ là
không thể được; bạn sẽ không thể có khả năng thoát khỏi nó một cách dễ dàng. Bốn
mươi phần trăm đó sẽ treo quanh đó.
Cho nên đây là một trong những
luật cơ sở của năng lượng bên trong – bao giờ cũng để cho cực đối lập đi tới trạng
thái cân bằng và thế thì bạn có khả năng thoát khỏi chúng. Cũng dường như hai
người đánh nhau và bạn có thể trốn thoát. Họ dính líu tới nhau nhiều tới mức bạn
không cần lo nghĩ và bạn có thể trốn thoát.
Đừng đem tâm trí vào. Làm điều
đó là bài tập. Bạn có thể làm điều đó là bài tập mọi ngày; quên việc đợi nó tới
đi. Mọi ngày bạn phải giận dữ – điều đó sẽ dễ dàng hơn. Rồi nhảy nhót, la hét
và đem nó ra. Một khi bạn có thể đem nó ra chẳng bởi lí do gì cả, bạn sẽ rất hạnh
phúc bởi vì bây giờ bạn có tự do. Bằng không ngay cả giận dữ cũng bị chi phối bởi
tình huống, bạn không là người chủ của nó. Nếu bạn không thể đem được nó ra,
làm sao bạn có thể vứt bỏ được nó?
Lúc ban đầu điều đó có vẻ chút
ít thô kệch, kì lạ và không thể tin được, bởi vì bạn bao giờ cũng tin vào lí
thuyết rằng chính là do ai đó khác xúc phạm mới tạo ra giận dữ. Điều đó không
đúng. Giận dữ bao giờ cũng có đó rồi; ai đó chỉ cho cái cớ để nó bật ra thôi.
Bạn có thể cho mình một cái cớ:
Tưởng tượng ra tình huống mà bạn đã từng giận dữ và trở nên giận dữ. Nói với bức
tường và nói với mọi thứ, và ngay đó bức tường sẽ nói với bạn! Hoàn toàn phát rồ
lên. Bạn phải đem giận dữ và buồn bã tới trạng thái tương tự, nơi chúng đích
xác tỉ lệ với nhau. Chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau và bạn có thể chuồn.
George Gurdjieff hay gọi đây
là cách thức của người tinh ranh – đem năng lượng bên trong tới xung đột mà
chúng dính líu vào với nhau triệt tiêu lẫn nhau, và bạn có cơ hội để thoát.
Chú ý tới khoảng hở
Cái thực là ở trong khoảng hở,
trong chỗ tạm dừng giữa hai lời, hai ý nghĩ, hai ham muốn, giữa hai xúc động
hay hai cảm giác. Bất kì khi nào có chỗ tạm dừng – giữa ngủ và thức hay giữa thức
và ngủ. Trong chỗ tạm dừng giữa thân thể và linh hồn – trong khoảng hở đó. Khi
yêu biến thành ghét – chỗ tạm dừng khi không còn yêu và chưa ghét. Khi quá khứ
biến thành tương lai, chỗ tạm dừng – khi nó không còn nữa và tương lai lại chưa
tới, chính khoảnh khắc nhỏ bé đó – đó là hiện tại, đó là bây giờ. Nó nhỏ tới mức
nó không thể được gọi là một phần của thời gian. Nó nhỏ không phân chia được,
nó không thể bị phân chia. Chỗ tạm dừng đó là không thể phân chia được và nó tới
mọi khoảnh khắc theo cả nghìn lẻ một cách.
Tâm trạng bạn thay đổi từ chỗ
tạm dừng này sang chỗ tạm dừng khác và bạn trải qua chúng. Trong hai mươi bốn
giờ chúng ta bắt gặp những khoảng hở này nhiều lần tới mức phải là phép mầu làm
sao chúng ta cứ bỏ lỡ nó hoài. Nhưng chúng ta chưa bao giờ nhìn vào chỗ tạm dừng
cả; chúng ta đã học thủ đoạn đó, không nhìn vào chỗ dừng. Nó nhỏ tới mức nó tới
rồi đi và chúng ta chẳng bao giờ thậm chí nhận biết tới nó, rằng nó đã ở đó.
Chúng ta trở nên nhận biết về mọi thứ chỉ khi chúng không còn nữa, khi chúng đã
trở thành một phần của quá khứ. Hay chúng ta vẫn còn nhận biết khi chúng đang tới
và là một phần của tương lai, nhưng khi chúng thực sự hiện hữu ở đó bằng cách
nào đó chúng ta lại xoay xở để không thấy chúng.
Khi bạn giận, bạn không thấy
nó; về sau bạn mới hối hận. Khi nó sắp xảy ra tới nơi, thế thì bạn cảm thấy nó
và bạn bị quấy rối rằng nó lại đang tới. Nhưng khi nó có đó, bỗng nhiên bạn trở
nên mù và điếc, vô nhận biết, vô ý thức. Chỗ tạm dừng nhỏ tới mức nếu bạn không
tuyệt đối tỉnh táo thì bạn sẽ cứ bỏ lỡ nó. Nó nhỏ thế; nó có thể bị bắt giữ chỉ
trong nhận biết tuyệt đối. Khi bạn toàn bộ ở đó, chỉ thế thì bạn mới có khả
năng thấy. Khi ý nghĩ này ra khỏi sự tồn tại và ý nghĩ khác đi vào sự tồn tại,
giữa hai ý nghĩ này có một khoảng hở của vô ý nghĩ. Đó mới là cái thực.
Tôi đang cho bạn toàn thể chìa
khoá. Bây giờ bạn phải bắt đầu làm việc trên con người mình với chìa khoá này.
Rơi vào giấc ngủ, cố gắng thấy
chỗ dừng khi bạn không còn thức và việc ngủ thì chưa tới. Một khoảnh khắc tới,
một khoảnh khắc rất tinh tế, nhưng nó không dừng lại lâu. Nó cũng giống như luồng
hơi thoảng qua, làn gió thoảng qua: nó có đó và nó mất đi. Nhưng nếu bạn có thể
bắt giữ nó bạn sẽ ngạc nhiên: bạn đã vớ được kho báu lớn lao nhất của cuộc sống.
Đi qua nó, cho dù không nhận
biết, bạn vẫn được lợi. Cái gì đó, cái gì đó của hương thơm của nó cứ thoang
thoảng trong bản thể bạn cho dù bạn không nhận biết. Nhưng từ khoảnh khắc này, trở
nên tỉnh táo đi. Dần dần, dần dần, cái mẹo tới.
Lưu ý ba lần
Trong Phật giáo họ có phương
pháp đặc biệt, họ gọi là “lưu ý ba lần.” Nếu vấn đề nảy sinh – chẳng hạn, nếu
ai đó bỗng nhiên cảm thấy thôi thúc dục, hay tham lam, hay giận dữ – họ phải
lưu ý ba lần rằng nó có đó. Nếu giận dữ có đó, đệ tử phải nói bên trong ba lần,
“Giận… giận… giận” – chỉ để lưu ý đầy đủ về nó sao cho nó không bị bỏ lỡ với
tâm thức. Có thế thôi – thế rồi người đó tiếp tục với bất kì điều gì người đó
đang làm. Người đó không làm gì với giận dữ mà đơn giản lưu ý tới nó ba lần.
Điều đó cực kì hay. Khoảnh khắc
bạn trở nên nhận biết về nó và lưu ý tới nó, nó mất đi. Nó không thể tóm bắt bạn
bởi vì điều đó chỉ có thể xảy ra khi bạn vô ý thức. Việc lưu ý ba lần này làm
cho bạn nhận biết bên trong tới mức bạn tách rời khỏi giận dữ. Bạn có thể làm
nó thành khách quan, bởi vì nó có đó và bạn đang ở đây. Phật bảo các đệ tử của
mình làm điều này với mọi thứ.
Thông thường, tất cả các nền
văn hoá và văn minh đều đã dạy chúng ta kìm nén các vấn đề, để cho dần dần bạn
trở thành vô ý thức về chúng – nhiều tới mức bạn quên mất chúng, bạn cho rằng
chúng không tồn tại.
Chính cái đối lập mới là con
đường đúng. Làm cho chúng được tuyệt đối có ý thức, và trong việc trở thành có
ý thức và tập trung vào chúng, chúng tan ra.
Luật của khẳng định
Có một luật lớn gọi là “luật
khẳng định.” Nếu bạn có thể khẳng định cái gì đó sâu sắc, toàn bộ và tuyệt đối,
nó bắt đầu trở thành thực. Đó là lí do tại sao mọi người lại trong khổ, bởi vì
luật đó – họ khẳng định khổ! Đó là lí do tại sao mọi người lại hạnh phúc –
nhưng chỉ vài người thôi, bởi vì chỉ vài người mới nhận biết về điều họ đang
làm cho các kiếp sống của mình. Một khi họ khẳng định vui vẻ, họ trở nên vui vẻ.
Làm điều đó thành vấn đề: dừng
khẳng định tiêu cực và bắt đầu khẳng định điều tích cực.
Trong vòng vài tuần bạn sẽ ngạc
nhiên rằng bạn có chìa khoá kì diệu trong tay mình.
Chẳng hạn, nếu bạn bị buồn dễ
dàng, thế thì mọi đêm trước khi đi ngủ, khẳng định hai mươi lần một cách im lặng
và sâu sắc cho bản thân mình – nhưng đủ to để cho bạn có thể nghe thấy nó – rằng
bạn sắp sửa vui vẻ, rằng điều này sắp xảy ra rồi, điều này đã đang trên đường rồi.
Bạn đã sống xong nỗi buồn cuối cùng của mình… tạm biệt nhé! Lặp lại nó hai mươi
lần và thế rồi rơi vào giấc ngủ.
Vào buổi sáng khi bạn lần đầu
tiên trở nên nhận biết rằng giấc ngủ của mình đã qua, đừng mở mắt vội: nhắc lại
điều đó hai mươi lần.
Thấy sự thay đổi trong ngày. Bạn
sẽ ngạc nhiên; một phẩm chất khác bao quanh bạn. Trong thời gian bẩy ngày bạn sẽ
khẳng định được cái gì đó và biết tới kết quả của nó. Thế rồi dần dần, dần dần,
vứt bỏ mọi điều tiêu cực. Chọn một điều tiêu cực cho một tuần, rồi vứt bỏ nó.
Chọn một phẩm chất tích cực và hấp thu nó.
Tất cả đều là vấn đề chọn lựa
của chúng ta. Địa ngục được tạo ra bởi ý nghĩ của chúng ta, cõi trời cũng vậy.
“Con người là như người đó nghĩ.” Và khi bạn đã thấy điều này – rằng ý nghĩ có
thể tạo ra địa ngục và cõi trời – thế thì bước nhảy tối thượng có thể được lấy
để vào vô ý nghĩ. Người ta có thể siêu việt lên trên cả địa ngục và cõi trời.
Và nhớ lấy, dễ vượt lên trên thiên đường hơn là vượt lên trên địa ngục. Cho nên
điều đầu tiên là chuyển từ tiêu cực sang tích cực. Điều đó có vẻ ngược đời
nhưng dễ bỏ cái gì đó đẹp hơn là bỏ cái xấu. Cái xấu níu bám.
Dễ dàng rời bỏ giầu có hơn hơn
là rời bỏ nghèo khó. Dễ dàng rời bỏ bạn bè hơn là rời bỏ kẻ thù. Dễ dàng quên
người bạn hơn là quên kẻ địch.
Đổi địa ngục thành cõi trời đi
– các tôn giáo phương Tây chưa bao giờ đi ra ngoài điều đó nhưng phương Đông đã
thử điều đó – thế rồi vứt bỏ cả cõi trời nữa, bởi vì ngay cả ý nghĩ tích cực
cũng vẫn là ý nghĩ.
Bắt đầu khẳng định vô ý nghĩ,
vô ý tưởng, và thế rồi điều tối thượng xảy ra.
Xem tiếp Chương 7 - Quay về Mục lục